HYDROQUINONE THẬT SỰ CÓ TỐT ĐỐI VỚI DA CHÚNG TA? CÔNG DỤNG THẬT SỰ VÀ TÁC HẠI CHÍNH LÀ GÌ?
Trị nám bằng Hydroquinone đã không còn quá xa lạ trong cộng đồng làm đẹp. Sở hữu hoạt tính tẩy trắng mạnh mẽ và mang lại kết quả trong thời gian cực ngắn nên không quá khó hiểu khi Hydroquinone nhanh chóng chiếm được lòng tin của người sử dụng, thậm chí một số người còn xem đây là “thần dược” trong điều trị nám. Tuy nhiên, cũng đã từ rất lâu Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Singapore… đã cấm Hydroquinone trong thành phần mỹ phẩm chăm sóc da. Vậy phải chăng Hydroquinone không đủ an toàn cho sức khỏe?
Về mặt hóa học, Hydroquinone còn được biết đến với tên gọi 1,4-Dihydroxybenzene, hoặc 1,4-benzenediol, là dẫn xuất hydroxylphenolic của benzen. Hydroquinone được tìm thấy trong một số loại thực phẩm rau củ và trái cây như hành tây, su su, cà phê, trà… Năm 1936, nhà khoa học Oettel đã ghi nhận Hydroquinone có khả năng tẩy trắng trên lông của mèo đen. Năm 1941, hai nhà khoa học Martin và Ansbacher đã lặp lại thí nghiệm với Hydroquinone trên chuột và cho tác dụng tương tự. Mãi đến năm 1961, sau hàng loạt các báo cáo ở Hoa Kỳ về tác dụng làm sáng da, đồng thời chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận, Hydroquinone dần dần được đưa vào ngành da liễu và trở thành tiêu chuẩn vàng trong điều trị nám da, tàn nhang ở thời điểm đó.
Bên cạnh ngành thẩm mỹ, Hydroquinone còn được ứng dụng trong một số ngành công nghiệp khác, đóng vai trò như chất khử, chất chống oxy hóa trong các sản phẩm nhuộm màu, là thành phần chính trong hầu hết các chất tráng/rửa phim. Vậy HDROQUINONE có tốt đối với da của chúng ta hay không hãy cùng tìm hiểu tiếp.
HYDROQUINONE HOẠT ĐỘNG TRÊN DA NHƯ THẾ NÀO?
Melanin là sắc tố quy định màu sắc da của mỗi người, được sinh ra bởi gốc tế bào tạo sắc tố Melanocytes dưới tác dụng của enzyme Tyrosinase và cả tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Sự sản xuất melanin quá mức có thể dẫn đến hình thành các đốm nâu, sạm màu trên bề mặt da mà mọi người vẫn hay gọi chung là nám. Hydroquinone hoạt động bằng cách ức chế men Tyrosinase, dẫn đến việc giảm sắc tố mong muốn. Cuối cùng, làm giảm số lượng tế bào hắc tố và làm da sáng hơn.
Tuy nhiên, hoạt động của Hydroquinone không những giúp tẩy trắng da mà còn làm mất sắc tố da hoàn toàn. Nhưng đây chưa phải là điều khiến hoạt chất này trở thành thành phần bị cấm trong các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da ở các nước trên thế giới. Có nhiều hơn một mối lo ngại về độ an toàn và nguy cơ của Hydroquinon đã được báo cáo, bao gồm gây khô, kích ứng, ngứa, ban đỏ, viêm da tiếp xúc và khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm. Cùng với cách hoạt động “bức tử” lớp tế bào da bên ngoài nên khi sử dụng Hydroquinone trong thời gian dài sẽ khiến da mỏng hơn, yếu dần và làm nám bùng phát trở lại nặng hơn, khó kiểm soát và trở nên kháng trị.
HYDROQUINONE TỪ LÂU ĐÃ BỊ CẤM LƯU HÀNH TRÊN THẾ GIỚI
Những mối lo ngại về nguy hiểm nghiêm trọng khi sử dụng đã dẫn đến việc cấm Hydroquinone trong thành phần mỹ phẩm chăm sóc da. Điển hình là Liên minh Châu Âu, đã ban hành quy định (Regulation (EC) No 1223/2009) không cho phép sử dụng Hydroquinone trong mỹ phẩm và chỉ giới hạn ở nồng độ 0.02% trong các sản phẩm chăm sóc móng.
Cuối năm 2018, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA – Health Sciences Authority) cũng đã nhận được nhiều báo cáo phản ứng có hại liên quan đến những sản phẩm có chứa Hydroquinone và đã khẩn cấp ra thông báo rộng rãi trong cộng đồng rằng thành phần này bị cấm trong các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da và chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Việc sử dụng Hydroquinone không phù hợp có thể dẫn đến mất sắc tố da vĩnh viễn, phản ứng quá mẫn như phát ban, đỏ, ngứa ran và bỏng rát da.
Cũng trong năm 2018, cơ quan quản lý Y tế Canada (Health Canada) cũng đã khuyến cáo đến người tiêu dùng cần phải thận trọng vì một số biến chứng có thể gặp phải khi dùng chế phẩm làm sáng da chứa Hydroquinone hàm lượng lớn hơn 2%, bao gồm:
– Đỏ da nghiêm trọng, rát hoặc ngứa, khô hoặc nứt nẻ, phồng rộp hoặc rỉ nước, hoặc biến màu da
– Ung thư ở động vật thí nghiệm và có khả năng gây ung thư trên người
– Độc hại với môi trường
Và kể từ ngày 30/6/2019, các sản phẩm chứa Hydroquinone hàm lượng trên 2% sẽ cần có đơn của bác sĩ để được bán tại Canada nhưng vẫn phải cần thận trọng khi sử dụng.
VIỆT NAM CÓ CẤM LƯU HÀNH HYDROQUINONE KHÔNG?
Thực tế, ở nước ta không quá khó để tìm mua sản phẩm sáng da có chứa Hydroquinone. Hiện nay, các sản phẩm trị nám chứa Hydroquinone được rao bán phổ biến trên các trang mạng, cửa hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện và hàng xách tay. Thậm chí, một số nơi còn dùng Hydroquinone cho các liệu trình “tắm trắng” toàn thân. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam nghiêm cấm tuyệt đối công thức có chứa thành phần Hydroquinone trong các sản phẩm mỹ phẩm dùng cho da (tham chiếu tại Phụ lục III – Hiệp định mỹ phẩm ASEAN). Song, vì mong muốn đạt được kết quả trị nám nhanh chóng, nhiều người đã lơ là những lời cảnh báo và bất chấp quy định, tự ý mua mỹ phẩm Hydroquinone về sử dụng.